TTO - Sáng nay 8-4, ông Đỗ Quốc Khánh - người được mệnh danh là “thần đèn xứ Bắc” - đã bắt đầu đưa người vào ngôi nhà số 11 Huỳnh Thúc Kháng đang bị lún nghiêng, có nguy cơ đổ sập để khảo sát, đo độ nghiêng, khắc phục địa chất, xem xét vị trí, sự tương quan với các nhà bên cạnh chuẩn bị cho việc “giải cứu”.
Theo ông Khánh, ngôi nhà bị lún, nghiêng là do được thiết kế trên nền móng nông, móng của ngôi nhà này được nhồi bằng cọc tre, ở dưới không có cọc bêtông.
“Với dạng móng như thế trên nền đất yếu (khu vực này từ mặt đất xuống 20m là đất bùn), kiểu dáng thiết kế như thế này chỉ thích hợp với nhà khoảng ba tầng nhưng ngôi nhà này lại xây đến 5 tầng, thậm chí là 5 tầng rưỡi nên chưa cần sự tác động nào thì bản thân nó đã không có khả năng “đề kháng” với những rủi ro.
Ông Đỗ Quốc Khánh - ủy viên Ban chấp hành trung ương Tổng hội Xây dựng Việt Nam, giám đốc Công ty xây dựng Tân Mai - được mệnh danh là “thần đèn xứ Bắc" với việc xử lý thành công hàng loạt công trình: di dời tòa nhà 2 tầng đường Láng - Hòa Lạc 3.000 tấn đi xa 50m trong thời gian 36 tiếng; di dời nhà 3 tầng (240m2) 300 tấn tại cầu Bươu, phục vụ giải phóng mặt bằng mở đường tháng 12-2008; di dời nhà 2 tầng Đài phát thanh huyện Xuân Trường (Nam Định) 650 tấn, đồng thời thực hiện xoay 180 độ; nâng cao tiền sảnh khách sạn Thắng Lợi lên độ cao 1,07m… |
Như vậy sau khi xây dựng xong thì tự nó đã có độ lún nhất định và hiện tượng nghiêng là điều tất yếu”, ông Khánh nói.
Một lý do nữa khiến ngôi nhà bị lún, nghiêng theo ông Khánh là do vào năm 2005, xung quanh khu vực này xây ba nhà chung cư, việc thi công làm cọc nhồi, đào đất sâu để thi công tầng hầm, bơm nước... khiến nhiều ngôi nhà ở khu vực này bị lún nghiêng.
Bản thân thiết kế của ngôi nhà này đã không có hệ số dự phòng an toàn, cộng thêm sự tác động của quá trình thi công các ngôi nhà chung cư xung quanh nên không riêng nhà này mà những nhà ở đây đều bị “chấn thương”.
Sau khi khái quát nguyên nhân, ông Khánh cho biết phương án khắc phục sẽ là nâng toàn bộ ngôi nhà lên để “nắn” thẳng đứng, đồng thời thay móng cọc nhồi cũ bằng móng bêtông mới hoàn toàn.
“Biện pháp đầu tiên là chúng tôi phải “sơ cứu”, tức là chống đỡ để ngôi nhà khỏi bị sập đổ, sau đó khảo sát đánh giá mức độ nguy hiểm của tình trạng ngôi nhà rồi đưa ra phương án chống lún và cân chỉnh nghiêng”, ông Khánh cho biết.
Theo ông Khánh, đội “giải cứu” ngôi nhà này có khoảng 12 người, với hai kỹ sư có chuyên môn tốt.
Thời gian tiến hành chống đỡ cho ngôi nhà khỏi bị sập đổ trong vòng hai ngày, thời gian sửa chữa chính để ngôi nhà thật sự an toàn mất 75 ngày.
Ông Khánh cho biết thêm: “Sáng 9-4 chúng tôi sẽ bắt đầu chống đỡ. Nội dung hợp đồng đã được soạn thảo và ký sơ bộ chứ chưa chính thức vì chủ nhà nước ngoài nên mới chỉ làm việc với mấy người đại diện chủ nhà."
"Và chính quyền cũng chủ trương nếu chủ nhà vắng mặt không ra tay thì chính quyền sẽ vào cuộc, và trường hợp này thì chính quyền yêu cầu chúng tôi làm. Chi phí xử lý ngôi nhà bị lún nghiêng này ước chừng 500 - 600 triệu đồng".
THÂN HOÀNG